Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients đã chỉ ra các loại thực phẩm làm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hũ, chao, natto... đều có ảnh hưởng ở mức độ khác nhau lên nhóm bệnh tiểu đường, tim mạch, chuyển hóa, ung thư...
Trích dẫn nghiên cứu dựa trên dữ liệu của hơn 1,66 triệu người được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên và Trường Đại học Y khoa Tây Nam (Trung Quốc) cho thấy việc tiêu thụ đậu nành rất có lợi trong việc chống lại nhiều căn bệnh thời đại, nhờ cải thiện hiệu quả trao đổi chất và triệt tiêu một số yếu tố bất lợi.
Thực phẩm từ đậu nành nói chung chứa nhiều isoflavone, flavonoid và hợp chất hoạt tính sinh học có lợi khác, chủ yếu mang đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.
Nhờ đó chúng có thể cải thiện sự hấp thu glucose của cơ bắp và độ nhạy insulin, giảm mỡ máu nói chung đặc biệt là triglyceride, giảm lượng đường máu, điều chỉnh chức năng tuyến tụy, tăng cường chức năng nội mô, giảm huyết áp...
Một loạt các tác động trên giúp người hay ăn đậu nành dưới các hình thức giảm nguy cơ nhóm bệnh tim mạch và chuyển hóa nói chung.
Cụ thể hơn có thể nhắc đến bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, tình trạng rối loạn mỡ máu, tiểu đường type 2. Nguy cơ bệnh ung thư cũng được cắt giảm.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng phát hiện rằng isoflavone vốn khá dễ bị phá vỡ và giảm tác dụng dưới sự tác động của nhiệt độ ở những thực phẩm đậu nành không lên men như sữa đậu nành, đậu phụ.
Ngược lại, đậu nành lên men là lựa chọn tốt hơn bởi giúp bảo tồn isoflavone và cả nhiều hợp chất sinh học khác. Đậu nành lên men có thể kể đến chao, natto, tương miso...
Các nhà khoa học hy vọng sẽ ứng dụng điều này ở một tầm cao mới đó là dùng chiết xuất các chất có lợi từ đầu này như peptide protein, isoflavone... để tạo thành một phương pháp hỗ trợ điều trị các nhóm bệnh nói trên.
Nguồn https://nld.com.vn
Bài viết tham khảo: