Áp lực của cuộc sống hiện đại đang mất cân bằng dinh dưỡng ngay từ những bữa ăn hàng ngày. Nhiều người hình thành thói quen ăn các loại thức ăn nhanh, chế biến công nghiệp, bỏ bữa, ăn quá bữa… Điều này dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thừa cân và béo phì tăng nhanh.
Tại tọa đàm “Cân bằng dinh dưỡng cho cuộc sống hiện đại”, do Trung tâm thông tin thống kê khoa học công nghệ (Trực thuộc Sở khoa học và công nghệ TP.HCM) kết hợp với Liên chi hội dinh dưỡng - thực Phẩm TP.HCM tổ chức, BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp - phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, cho biết: Tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể dung nạp không đầy đủ, theo tỷ lệ không thích hợp, không cân đối 4 nhóm chất cần thiết là đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nhiều người thường mặc định bữa ăn có nhiều thịt, cá, trứng, sữa… là bữa ăn dinh dưỡng nhất. Tuy nhiên, bữa ăn không đảm bảo tính đa dạng của thực phẩm và thường thiếu cân bằng tương quan giữa các chất dinh dưỡng thì sẽ gây tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng.
Tọa đàm “Cân bằng dinh dưỡng cho cuộc sống hiện đại”.
BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp: "Cuộc sống hiện đại đang mất cân bằng dinh dưỡng ngay từ những bữa ăn hàng ngày"
Một khi cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng, sẽ xuất hiện những dấu hiệu như mệt mỏi thường xuyên. Điều đó cho thấy: Cơ thể đang thiếu hụt nhiều dưỡng chất khác nhau, như máu, sắt, vitamin B12 và kali; rụng tóc, tóc khô và gãy nhiều là dấu hiệu của thiếu vitamin B6, vitamin A; tê bì chân tay là triệu chứng thiếu các vitamin B như B6 và B12 cùng với axit folic; da rất dễ bị những vết thâm tím là dấu hiệu thiếu canxi, vitamin C, axit folic, vitamin K và vitamin B12; hay bị viêm lợi, chảy máu chân răng, đốm xuất huyết, tăng sừng hóa ở nang lông có thể do thiếu vitamin C trầm trọng; hay bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân rất có thể cho cơ thể có hàm lượng vitamin B12 thấp, thiếu kẽm, vitamin D, vitamin C…
Quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi rối loạn chuyển hóa là yếu tố nguy cơ sinh học của thừa cân, béo phì; về lâu dài có thể dẫn tới các bệnh mãn tính như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư...
Ngoài ra, do dung nạp quá nhiều chất béo, ít vận động, chị em phụ nữ tăng cân quá mức nên tìm kiếm mọi cách để kéo giảm cân nặng, từ nhịn ăn, áp dụng chế độ ăn kiêng hà khắc, sử dụng viên uống giảm cân - đốt mỡ, trà giảm cân, tự thanh lọc - giải độc... Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng: Béo phì còn là hệ quả trực tiếp và thường gặp nhất của chứng rối loạn chuyển hóa, do cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng.
Làm sao có thể cân bằng dinh dưỡng? Bs. Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ, để dễ hiểu dễ nhớ về nhu cầu cơ thể cần cho một ngày, có thể dựa vào bàn tay của mỗi nguời, bàn tay một người trưởng thành, to hơn nên cần một khẩu phần ăn lớn hơn. Trẻ em, bàn tay nhỏ, khẩu phần ăn cũng ít hơn. Theo quy tắc “bàn tay - năm bốn ba hai một".
Năm, là 5 nắm rau; bốn, 4 nắm tay nắm chặt tinh bột chưa nấu (cơm, phở, hủ tiếu…); ba, 3 phần đạm (nếu thịt đo bằng lòng bàn tay, cá đo bằng cả bàn tay duỗi thẳng với cả các ngón, vì cá giàu protein tự nhiên, tốt cho hệ miễn dịch, tóc và móng tay); hai, 2 lòng bàn tay chụm lại với những loại trái cây nhỏ hoặc trái cây lớn cắt nhỏ và một, 1 ngón cái chất béo (bơ, dầu, bơ đậu phộng…).
TS. Phan Thế Đồng: "Cân bằng dinh dưỡng với từng đối tượng khác nhau sẽ có 1 chế độ dinh dưỡng khác nhau".
Cũng tại hội thảo này, TS. Phan Thế Đồng - nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đã có những phân tích sâu hơn về thực phẩm, trong đó có việc trồng, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến thực phẩm cũng ảnh hưởng rất lớn đến hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm. Ông cũng chỉ ra sự cân bằng dinh dưỡng với từng đối tượng người lớn, trẻ nhỏ, người khỏe mạnh, người bị bệnh, người tu hành… Ông kết luận: Đối tượng khác nhau sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau.
Nguồn http://www.khoahocphothong.com.vn
Bài viết khác:
Thập cốc Nông Lâm cùng Tạp chí Nông Thôn Việt
Thanh xuân tỉnh thức và sự hòa quyện các món ăn từ các sản phẩm thập cốc